BS Lương Tuấn Trí – BS Vũ Trần Thiên Quân

Đôi nét về polyp mũi

Polyp (pô-líp) là từ chỉ chung các khối mọc trồi ra từ bề mặt lớp niêm mạc bao phủ của cơ thể. Do đó, có thể hiểu đơn giản polyp mũi là khối mô mọc trồi ra từ lớp niêm mạc bên trong mũi.

Polyp mũi đa dạng về vị trí và kích thước. Polyp mũi có thể xuất hiện đơn độc vói dạng giọt nước, hoặc hình quả lê với 1 cái cuống dài bám lên thành niêm mạc. hoặc mọc thành cụm hoặc chùm với hình dạng chùm nho.

Polyp mũi xuất hiện ở nam nhiều hơn nữ và thường xuất hiện sau 40 tuổi. Người bệnh thường có các triệu chứng giống cảm cúm như: nghẹt mũi, sổ mũi, giảm cảm nhận về mùi hoặc vị, nặng mặt,… Nhưng khác với cảm cúm, các triệu chứng này thường kéo dài và không cải thiện với điều trị thông thường. Đôi khi các polyp này bị vỡ và gây chảy máu mũi. Các khối polyp to có thể làm tắc nghẽn đường thở, gây ngạt thở khó chịu và ngủ ngáy. Ngược lại, trong trường hợp polyp nhỏ, người bệnh có thể không thấy khó chịu gì.

Các polyp đại tràng, polyp dây thanh,… thường gây lo ngại bởi tiềm năng hóa ác của chúng. Tuy nhiên, trong trường hợp cúa polyp mũi, hầu như không ghi nhận nguy cơ ác tính. Yêu cầu điều trị đặt ra xuất phát từ các triệu chứng phiền toái của căn bệnh này.

Polyp mũi và viêm mũi xoang mạn tính

Polyp mũi thường đi kèm và thực tế là một trong hai phân nhóm của viêm mũi xoang mạn tính: viêm mũi xoang mạn có kèm hoặc không kèm polyp mũi. Viêm mũi xoang được coi là mạn tính khi các triệu chứng của viêm mũi xoang (nghẹt mũi, mất mùi, sổ mũi, đau hoặc nặng mặt,…) kéo dài từ 12 tuần trở lên.

Thực tế này cho thấy hai vấn đề: polyp mũi phát sinh từ phản ứng viêm mạn tính của vùng mũi xoang; nhưng không phải trường hợp viêm mũi xoang mạn tính nào cũng diễn tiến thành polyp mũi. Điều này cũng cho thấy sự đa dạng trong phản ứng viêm và vai trò của yếu tố cơ địa trong việc hình thành polyp mũi.

Phản ứng viêm trong polyp mũi

Phản ứng viêm, với triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau, là một trong những công cụ của cơ thể chống lại các tác nhân xâm nhập gây bệnh. Trong quá trình viêm, cơ thể huy động các tế bào miễn dịch, hoặc sinh kháng thể thể tiêu diệt tác nhân xâm nhập. Hiện nay có 3 phản ứng viêm được xác định tương ứng với những “chiến lược” tiêu diệt tác nhân xâm nhập khác nhau đã được xác định.

Một cách kinh điển, phản ứng viêm loại 2 được cho là có vai trò chính yếu trong việc hình thành polyp mũi. Bình thường, phản ứng viêm này bảo vệ cơ thể bằng cách tạo ra một lượng lớn kháng thể và huy động bạch cầu ưa acid để tiêu diệt tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, trong trường hợp polyp mũi, phản ứng này xảy ra quá mức và kéo dài một cách không được kiểm soát. Hậu quả là hàng rào biểu mô tại chỗ bị tổn thương – tạo điều kiện cho nhiều tác nhân gây bệnh khác xâm nhập và thúc đẩy thêm tình trạng viêm. Vùng viêm tại chỗ ứ dịch phù nề, đồng thời làm ứ đọng fibrin và thay đổi cấu trúc mô tại chỗ, dần dà nổi cộm lên thành khối polyp. Điều thú vị là người ta quan sát thấy trong polyp có tích tụ nhiều kháng thể, nhưng lại không quan sát thấy các kháng thể này lưu hành trong máu. Con đường bệnh sinh dựa trên phản ứng viêm loại 2 của polyp mũi cũng lý giải sự liên kết của bệnh lý này với các bệnh cơ địa (viêm da cơ địa, hen,…) vốn cũng có con đường bệnh sinh liên quan tới phản ứng viêm loại 2.

Các nghiên cứu gần đây chỉ ra thực chất các loại phản ứng viêm (1, 2 và 3) đều tham gia vào bệnh lý này. Phản ứng ưu thế tùy thuộc vào vùng miền và dân tộc khác nhau. Điều này phần nào phản ánh sự đa dạng và phức tạp trong bệnh sinh của các bệnh lý viêm và miễn dịch.

Các phương pháp điều trị polyp mũi

Phẫu thuật có thể được chỉ định để cắt bỏ các khối polyp lớn. Tuy nhiên do tình trạng viêm mạn tính vẫn tiếp tục, thường xuất hiện các khối polyp tái phát.

Các biện pháp điều trị bảo tồn dựa vào cơ chế ức chế phản ứng viêm (thuốc uống, xịt). Một số thuốc nhắm trực tiếp vào phản ứng viêm loại 2 cũng đang được nghiên cứu.

Cần lưu ý là việc chẩn đoán và điều trị phù hợp cần được bác sĩ đánh giá và tư vấn cá nhân hóa dựa trên thể chất và bệnh cảnh riêng của từng bệnh nhân.

Để biết thêm thông tin bằng tiếng Anh, có thể truy cập: https://gaapp.org/type-ii-inflammation-patient-navigator/

Tài liệu tham khảo:

https://www.merriam-webster.com/dictionary/polyp

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4422388/

https://gaapp.org/what-are-nasal-polyps/

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32145873/